
Gieo nhu cầu hành động đẹp
Khi nhà trường xác định cho mình một hệ thống giá trị văn hóa chuẩn mực, việc điều chỉnh hành vi của học sinh được thực hiện trên cơ sở tự nguyện – gieo cho học sinh nhu cầu được hành động theo những điều tốt đẹp. Hiệu trưởng Trường THCS Trưng Vương (Hà Nội) Trần Thị Thanh Thảo cho rằng: “Văn hóa học đường phải được tạo nên từ sự hạnh phúc của học sinh. Học sinh cảm nhận ở đó mình được yêu thương, tự hào về truyền thống nhà trường. Từ hạnh phúc, yêu thương và tự hào sẽ dẫn dắt các em có những hành vi đẹp: Đoàn kết, chia sẻ, giúp đỡ, chủ động học tập và sống trách nhiệm với bản thân, gia đình, xã hội, với môi trường. Nhìn vào hạnh phúc và sự phát triển của con em mình, phụ huynh cũng sẽ tin tưởng nhà trường”.
“Xây dựng văn hóa nhà trường vô cùng quan trọng, bởi nhà trường là cơ sở nền tảng, là tế bào của hệ thống giáo dục. Cũng như cơ thể người, chỉ khi có được những tế bào lành mạnh thì cơ thể mới phát triển bình thường” – TS. Trương Đình Thăng, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Sư phạm Quảng Trị nhận định. Từng thành viên trong trường đều góp phần xây dựng văn hóa học đường, nhưng theo TS. Trương Đình Thăng, xây dựng văn hóa nhà trường bắt đầu từ người hiệu trưởng – được ví là “người tạo dựng văn hóa nhà trường”. Văn hóa nhà trường biểu hiện trước hết là trong tầm nhìn, sứ mạng, triết lý, mục tiêu, các giá trị, phong cách lãnh đạo, quản lý và tất cả các yếu tố đó phải được khởi xướng và dẫn dắt bởi người hiệu trưởng.
NGND Nguyễn Thị Hiền, Chủ tịch HĐQT Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm (Hà Nội) cho rằng, để tạo ra các giá trị bền vững thì việc xây dựng văn hóa nhà trường phải được thực hiện một cách có chủ đích. Chủ đích ở đây cần xuất phát từ người đứng đầu nhà trường, từ Ban giám hiệu, và tiếp tục được phát triển, chia sẻ vai trò lãnh đạo tới tất cả thành viên chủ chốt. Và một khi quy trình đó được thực hiện, mỗi người đều nỗ lực một cách có chủ đích để góp phần tạo ra một môi trường văn hóa tích cực, hành trình xây dựng văn hóa nhà trường mới thực sự được bắt đầu.
“Thành công của mô hình giáo dục Đinh Tiên Hoàng không chỉ vì chúng tôi có cơ chế tự chủ, tạo được môi trường giáo dục dân chủ, nhân văn, mà phải khẳng định Đinh Tiên Hoàng sớm xây dựng văn hóa học đường để biến các chương trình giáo dục phổ thông bậc trung học thành chương trình giáo dục giá trị văn hóa, tạo cho nhà trường không chỉ có chất lượng giáo dục bền vững, mà còn mang đậm bản sắc văn hóa riêng, phù hợp tâm sinh lý, cá tính, hoàn cảnh kinh tế – xã hội của học sinh” – TS. Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội đồng Giáo dục Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) khẳng định.
Hội tụ và kết tinh văn hóa
Giáo dục đang trong quá trình đổi mới mạnh mẽ nhằm xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, đào tạo một thế hệ học sinh có khả năng hội nhập nhưng giữ được bản sắc dân tộc. Bên cạnh nỗ lực từ các trường, TS. Nguyễn Tùng Lâm đề xuất: Chính phủ và Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có văn bản pháp quy để hướng dẫn các cơ sở giáo dục tiến hành xây dựng văn hóa học đường và chương trình giáo dục giá trị văn hóa để đáp ứng nhu cầu xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao. Bên cạnh đó, sớm có văn bản giao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục phổ thông và có cơ chế để nâng cao chất lượng đào tạo trong các trường sư phạm, đào tạo giáo viên chất lượng cao và tổ chức đào tạo lại giáo viên phổ thông có đủ năng lực làm công tác giáo dục học sinh.
Trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay, xây dựng văn hóa học đường đúng nghĩa không thể thiếu việc quản lý và xây dựng văn hóa mạng. GS. TS. Huỳnh Văn Sơn, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh góp ý: Phổ biến bằng nhiều hình thức và đánh giá hiệu quả phổ biến này để bảo đảm việc tuân thủ Luật An ninh mạng (2018), Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội (2021) hiệu quả; chú ý bồi dưỡng giáo viên một cách căn bản, có tầm nhìn về việc sử dụng internet, nhất là kỹ năng chuyển đổi số và phát triển các giá trị văn hóa học đường trên không gian mạng; hỗ trợ học sinh làm quen, khai thác và sử dụng internet một cách chủ động; tăng cường chức năng giám sát của bộ, ngành có liên quan…
Tuy nhiên, xây dựng văn hóa học đường là một quá trình khó khăn, phức tạp, lâu dài, chịu tác động của nhiều yếu tố khác nhau và đòi hỏi sự tham gia, phối hợp của nhiều lực lượng khác nhau trong và ngoài nhà trường. TSKH. Phạm Đỗ Nhật Tiến, nguyên trợ lý Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo nhận định: “Nếu văn hóa học đường không được xây dựng một cách chủ động và có ý thức thì cơ hội mãi mãi là cơ hội, còn thách thức sẽ không chỉ còn là thách thức mà trở thành nguy cơ. Nguy cơ về một văn hóa học đường tiêu cực thực sự đã hiện hữu trong nhà trường của chúng ta, vì vậy việc xây dựng một văn hóa học đường tích cực đã trở thành một nhiệm vụ cấp thiết cần được triển khai ở cả cấp hệ thống và cấp trường”.
Ở cấp hệ thống, cần ban hành các hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị gia đình, hệ giá trị mạng internet, làm cơ sở cho việc xây dựng văn hóa Việt Nam, văn hóa gia đình và văn hóa mạng, đồng bộ và nhất quán với văn hóa học đường. Từ sự đồng bộ, nhất quán ấy, nhà trường phải là tổ chức có “hàm lượng” văn hóa cao nhất; là nơi hội tụ, kết tinh văn hóa để tạo ra những chuẩn mực, giá trị văn hóa cho thế hệ trẻ và cho xã hội.