Tạo chuyển động mạnh mẽ

Một hội thảo không thể giải quyết được hết mọi vấn đề, nhất là với chủ đề lớn, có tác động lâu dài như văn hóa học đường. Tuy vậy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục NGUYỄN THỊ MAI HOA kỳ vọng, những ý kiến tâm huyết và khuyến nghị từ Hội thảo Giáo dục Việt Nam 2021 sẽ góp phần tạo chuyển động mạnh mẽ về văn hóa học đường trong mỗi nhà trường, mỗi thầy giáo, cô giáo và học sinh, sinh viên để xây dựng văn hóa nhà trường theo định hướng “Học thật, thi thật và nhân tài thật”.
 

Yêu cầu mới, giá trị mới

– Hội thảo Giáo dục Việt Nam – VEC 2021 do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục tổ chức vào ngày 21.11 có chủ đề “Văn hóa học đường trong bối cảnh đổi mới giáo dục và đào tạo”. Tại sao Ban tổ chức lại chọn chủ đề này cho năm nay, thưa bà?

– Hội thảo Giáo dục Việt Nam (VEC) là hội thảo thường niên của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, bắt đầu từ năm 2017. Việc lựa chọn chủ đề hàng năm xuất phát từ yêu cầu của thực tiễn giáo dục và đào tạo, trong đó, chủ đề hội thảo năm 2017 là “Về chất lượng giáo dục phổ thông”, năm 2018 “Giáo dục đại học – Chuẩn hóa và hội nhập quốc tế”, năm 2019 “Phát triển giáo dục nghề nghiệp trong bối cảnh chuyển đổi mô hình tăng trưởng và hội nhập quốc tế”, năm 2020 “Tự chủ đại học – Từ chính sách đến thực tiễn”.

Chủ đề hội thảo năm nay, “Văn hóa học đường trong bối cảnh đổi mới giáo dục và đào tạo”, xuất phát từ mục tiêu thực hiện khâu đột phá chiến lược phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao theo tinh thần Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Để đào tạo nên những con người có kiến thức, kỹ năng, phẩm chất, khát vọng, đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập, phải bắt đầu từ môi trường hình thành nhân cách, chính là văn hóa trường học.

Văn hóa học đường không phải chủ đề mới. Điều hội thảo muốn hướng tới chính là xây dựng văn hóa học đường đặt trong bối cảnh đổi mới giáo dục và đào tạo, tức là phải có những yêu cầu mới, những giá trị mới.

– Hội thảo đã nhận được hơn 200 tham luận – cao nhất trong 5 lần tổ chức. Theo bà, sự tham gia đông đảo này cho thấy uy tín mà VEC đã tạo dựng được, hay do sự quan tâm của các nhà nghiên cứu, nhà giáo dục đối với vấn đề văn hóa học đường?

– Có lẽ cả hai lý do. VEC đúng là đã trở thành thương hiệu của Ủy ban Văn hóa Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Khóa XIV (nay là Ủy ban Văn hóa, Giáo dục), hướng tới những vấn đề mà thực tiễn giáo dục đang đặt ra, cũng chính là vấn đề cử tri quan tâm, Quốc hội quan tâm. Từ các hội thảo, Ủy ban đã lắng nghe, tập hợp ý kiến tâm huyết của nhiều chuyên gia, nhà khoa học, nhà giáo dục để có cái nhìn toàn diện, chân thực về giáo dục và đào tạo của Việt Nam; đồng thời chuyển thành những khuyến nghị tới Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ, góp phần xây dựng những chính sách giáo dục – đào tạo một cách thực tế hơn. Đây là lý do khi xây dựng định hướng hoạt động toàn Khóa XV (giai đoạn 2021 – 2026), Ủy ban Văn hóa, Giáo dục tiếp tục duy trì VEC thường niên.

Còn với chủ đề năm nay, tôi nghĩ văn hóa học đường là một lựa chọn đúng. Hội thảo thu hút sự quan tâm của xã hội là bởi tầm quan trọng của nó đối với việc tạo dựng bản sắc riêng của mỗi nhà trường cũng như nâng cao chất lượng giáo dục – đào tạo, xây dựng và hoàn thiện nhân cách con người Việt Nam, thế hệ trẻ Việt Nam.

– Qua theo dõi và giám sát, bà nhận thấy văn hóa học đường hiện nay ra sao?

– Nhìn về bức tranh văn hóa học đường, cảm nhận của tôi là các mảng tối – sáng đan xen; trong đó, mảng tối dù không nhiều nhưng khiến mỗi người phải trăn trở. Và thực tế thời gian qua, dư luận xã hội quan ngại về những biểu hiện xuống cấp của môi trường văn hóa học đường, như bệnh thành tích kéo theo nhiều biểu hiện thiếu trung thực trong học tập, giảng dạy, kiểm tra, thi cử và nghiên cứu khoa học; bạo lực học đường ở một số cơ sở giáo dục; hành vi lệch lạc, thiếu chuẩn mực trong giao tiếp, ứng xử của một bộ phận học sinh và của số ít giáo viên; một số nhà trường không còn là nơi an toàn đối với trẻ… Thực trạng ấy không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng dạy học, mà còn làm giảm niềm tin của xã hội đối với ngành giáo dục.

Văn hóa học đường có ý nghĩa quan trọng tạo dựng bản sắc riêng của mỗi nhà trường cũng như nâng cao chất lượng giáo dục – đào tạo
Ảnh: Thái Bình

Học thật, thi thật và nhân tài thật

– Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng nhiều lần nhắc tới nhiệm vụ xây dựng văn hóa, con người Việt Nam. Theo bà, văn hóa học đường có vai trò và ý nghĩa như thế nào trong thực hiện nhiệm vụ ấy?

– Ở nước ta, dù chưa có quy định cụ thể về văn hóa học đường trong các văn bản pháp quy về giáo dục, nhưng tư tưởng về một văn hóa học đường tích cực luôn hiện hữu trong các quan điểm chỉ đạo về giáo dục của Đảng và Nhà nước. Trong Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 2021 – 2030, khâu đột phá được xác định là “tiếp tục phát triển toàn diện nguồn nhân lực”, “đổi mới sáng tạo gắn với khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, lòng tự hào dân tộc, ý chí tự cường và phát huy giá trị văn hóa, con người Việt Nam”. Văn hóa học đường chính là yêu cầu cấp thiết, góp phần thực hiện khâu đột phá chiến lược phát triển nguồn nhân lực trong 10 năm tới.

Nói đến văn hóa học đường, ta nghĩ đến một hệ thống gồm những giá trị, chuẩn mực, niềm tin được hình thành, duy trì trong suốt quá trình giáo dục của nhà trường; đồng thời chi phối tới người dạy, người học, nhân viên trong trường. Chẳng hạn như đức tính trung thực chính là một giá trị của văn hoá học đường, chi phối hoạt động học tập, giảng dạy, kiểm tra, thi cử và nghiên cứu khoa học. Trung thực, tức là sẽ không đối phó trong dạy học, không quay cóp trong thi cử; cũng không còn bệnh thành tích trong đánh giá, thi đua, khen thưởng… Có thể nói, xây dựng văn hóa học đường sẽ góp phần hình thành, bồi đắp nhân cách cho học sinh – chủ nhân của nước nhà trong tương lai.

– Bà kỳ vọng gì với hội thảo năm nay? Với chức năng, nhiệm vụ của mình, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục sẽ làm gì để góp phần tạo chuyển biến trên thực tế trong vấn đề này?

– Một hội thảo không thể giải quyết được hết mọi vấn đề liên quan tới văn hóa học đường. Tuy vậy, chúng tôi kỳ vọng những ý kiến tâm huyết và khuyến nghị từ hội thảo sẽ góp phần tạo chuyển động mạnh mẽ về văn hóa học đường trong mỗi nhà trường, mỗi thầy giáo, cô giáo và học sinh, sinh viên, để xây dựng văn hóa nhà trường theo định hướng “Học thật, thi thật và nhân tài thật”. Ủy ban Văn hóa, Giáo dục sẽ có khuyến nghị với Bộ Giáo dục và Đào tạo về vấn đề này và giám sát việc tổ chức thực hiện.

– Xin cảm ơn bà!

 
Anh Minh thực hiện (https://daibieunhandan.vn/)