“Văn hóa học đường trong bối cảnh đổi mới giáo dục và đào tạo” là chủ đề của Hội thảo Giáo dục Việt Nam năm 2021, do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội chủ trì, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức ngày 21/11.
Theo Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Nghị quyết 29-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 8 khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đã xác định mục tiêu: Phát triển toàn diện con người Việt Nam, khơi dậy lòng tự hào, yêu gia đình, yêu Tổ quốc, yêu đồng bào, sống và làm việc hiệu quả. Do đó, văn hóa học đường chính là nền tảng để rèn luyện, hoàn thiện những phẩm chất tốt cho thế hệ trẻ.
Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng xác định vai trò quan trọng của văn hóa là “lấy giá trị văn hóa, con người Việt Nam làm nền tảng, sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững”; phục vụ đắc lực cho công cuộc đổi mới đất nước và hội nhập quốc tế. Tinh thần của Nghị quyết càng khẳng định thêm vai trò của nhà trường, văn hóa học đường trong việc bồi dưỡng, xây dựng thế hệ trẻ Việt Nam vừa có những năng lực, phẩm chất mới, vừa giữ được giá trị văn hóa mang đậm bản sắc dân tộc.
Ngày 24/11 tới đây sẽ diễn ra Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Đây là sự kiện chính trị quan trọng nhằm cụ thể hóa mục tiêu phát triển văn hóa, con người Việt Nam. Phó Chủ tịch Quốc hội khẳng định, Hội thảo Giáo dục năm 2021 với chủ đề “Văn hóa học đường trong bối cảnh đổi mới giáo dục và đào tạo” có ý nghĩa hết sức quan trọng, góp phần xây dựng chiến lược phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, hiện đại và hình thành thế hệ những con người Việt Nam trí tuệ, bản lĩnh trong bối cảnh hội nhập toàn cầu đầy thách thức hiện nay.
Đồng chí Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, thế hệ trẻ là mầm non, là tương lai của đất nước, do đó, nhiệm vụ rèn luyện, hoàn thiện nhân cách cho sinh viên, học sinh đặc biệt quan trọng. Trong đó, xây dựng văn hóa học đường là cơ sở, là nền tảng để đạt mục tiêu đó, góp phần thực hiện sứ mạng, giá trị, mục tiêu giáo dục của nhà trường theo hướng Chân – Thiện – Mỹ. Văn hóa học đường chính là vấn đề quan trọng thúc đẩy, nâng cao chất lượng giáo dục, phát triển nguồn nhân lực đủ đức, đủ tài đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp đổi mới và xu thế hội nhập quốc tế. Đây là nhiệm vụ cấp bách, quan trọng, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 đã, đang và sẽ ảnh hưởng nặng nề tới mọi mặt của đời sống xã hội, trong đó có lĩnh vực giáo dục và đào tạo.

Ghi nhận thời gian qua, ngành giáo dục đã có nhiều giải pháp nhằm xây dựng văn hóa học đường, tạo nên môi trường sư phạm lành mạnh, giáo dục ý thức kỹ năng sống cho học sinh, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học, đồng chí Trần Thanh Mẫn cho rằng, vẫn còn tình trạng thiếu trung thực trong dạy và học, trong kiểm tra, đánh giá. Hành vi thiếu chuẩn mực trong giao tiếp, ứng xử của một số ít học sinh và giáo viên, tình trạng bạo lực học đường, xâm hại trẻ em trong một số cơ sở giáo dục làm ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học, gây tổn hại tới môi trường học đường.
Trong phát biểu đề dẫn Hội thảo, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Thị Mai Hoa nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc xây dựng văn hóa học đường. Đồng chí cho rằng văn hóa học đường không chỉ đem lại bộ mặt văn hóa cho nhà trường mà còn tạo nên nền tảng tinh thần, tạo niềm tin và động lực cho cộng đồng nhà trường gắn kết, cùng nhau thực hiện các mục tiêu đổi mới. Xây dựng văn hóa học đường đã và đang trở thành một xu thế trong cải cách giáo dục ở các hệ thống giáo dục tiên tiến trên thế giới.
Tại Hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà giáo đã thảo luận về thực trạng và định hướng xây dựng văn hóa học đường trong bối cảnh đổi mới giáo dục và đào tạo; nhận diện các cơ hội và thách thức trong xây dựng văn hóa học đường; đề xuất giải pháp và chính sách hiệu quả nhằm tạo sự chuyển biến rõ nét trong việc xây dựng văn hóa học đường.
Vân Thanh (https://hcmcpv.org.vn/)