Thúc đẩy và trao quyền cho người học
– Xin bà cho biết khái niệm “văn hóa học đường” theo định nghĩa của UNESCO như thế nào, và vai trò của văn hóa học đường trong bối cảnh toàn cầu hóa và sự phát triển của khoa học – công nghệ, internet?
– Theo định nghĩa của Văn phòng Giáo dục Quốc tế UNESCO (IBE), văn hóa học đường được hình thành bởi hệ thống niềm tin, chuẩn mực, giả định, kỳ vọng, quy tắc và giá trị tạo nên bản sắc của nhà trường, ảnh hưởng đến cách vận hành của nhà trường đó, tác động đến hành vi của ban giám hiệu, thầy cô giáo, hỗ trợ cán bộ nhà trường và người học.
Văn hóa học đường tích cực là cần thiết để giáo dục và đào tạo thực sự thay đổi, để người học phát triển trong xã hội ngày càng đa dạng và thay đổi nhanh chóng, phát triển ý thức về mục tiêu, qua đó đóng góp vào hạnh phúc của cá nhân và tập thể. Điều này đặc biệt quan trọng trước những thách thức hiện nay như biến đổi khí hậu, tư tưởng bạo lực và thù hận, xung đột, nguy cơ đại dịch toàn cầu, cũng như các cơ hội và hạn chế của kỷ nguyên kỹ thuật số.
– Trong Chương trình Nghị sự Giáo dục toàn cầu đến năm 2030 mà UNESCO chủ trì triển khai, văn hóa học đường có vị trí như thế nào?
– Trong Mục tiêu phát triển bền vững – SDG4, Chương trình Nghị sự Giáo dục toàn cầu đến năm 2030, các cam kết xây dựng môi trường và văn hóa học đường tích cực chủ yếu được thể hiện trong 2 mục tiêu: Mục tiêu 4.a về thúc đẩy “môi trường học tập an toàn, phi bạo lực, hòa nhập và hiệu quả”; Mục tiêu 4.7 về hỗ trợ “kiến thức và kỹ năng thông qua giáo dục về phát triển bền vững và lối sống bền vững, về quyền con người, bình đẳng giới, thúc đẩy văn hóa hòa bình, phi bạo lực và về công dân toàn cầu”.
Nó liên quan đến việc dạy và học nhằm thúc đẩy và trao quyền cho người học để đưa ra các quyết định và hành động sáng suốt ở cấp độ cá nhân, cộng đồng và toàn cầu. Cách dạy và học này chỉ có thể đạt được trong môi trường học tập chất lượng, nơi học sinh và giáo viên cảm thấy được đánh giá cao, được thừa nhận, an toàn và hòa nhập. Vì vậy, văn hóa học đường tích cực được tạo ra cả trong giáo dục và thông qua giáo dục, cho phép người học tìm hiểu và định hình họ là ai và muốn trở thành người như thế nào…
– Các nước, đặc biệt là ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương, có quan tâm và đang triển khai xây dựng văn hóa học đường như thế nào?
– Các quốc gia trên thế giới và khu vực châu Á – Thái Bình Dương đều quan tâm đến văn hóa học đường, nhận thấy tác động quan trọng của nó đối với kết quả học tập và sự trưởng thành của học sinh cũng như tiềm năng trong việc chuyển đổi xã hội tích cực, thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực. Các nền giáo dục đang đầu tư xây dựng văn hóa học đường tích cực theo những cách khác nhau. Một số cách tiếp cận đang được nhiều nước sử dụng ở các mức độ khác nhau bao gồm: Xây dựng và thực thi các chính sách giáo dục và quy tắc hoặc quy tắc ứng xử của trường học để ngăn ngừa, ứng phó với phân biệt đối xử và bạo lực; rà soát, điều chỉnh chương trình giáo dục dựa theo năng lực; đào tạo giáo viên ban đầu và bồi dưỡng nâng cao kỹ năng trong các phương pháp hợp tác hỗ trợ việc học tập cả về mặt xã hội và cảm xúc… Đây là các cách tiếp cận cần được tiếp tục và nhân rộng trên phạm vi quốc gia và khu vực.

Ảnh: H.Lam
Tiếp cận giáo dục toàn diện
– Theo bà, để xây dựng được văn hóa học đường, các cơ sở giáo dục cần chú trọng những điều gì?
– Năm 2016, UNESCO Bangkok đã công bố Khung Trường học hạnh phúc vì sức khỏe người học ở châu Á – Thái Bình Dương. Khung Trường học hạnh phúc đề xuất 22 tiêu chí thuộc ba hạng mục có thể hỗ trợ các quốc gia đạt được các mục tiêu 4.7 và 4.a trong SDG4. Đó là: 1) Con người, tức các mối quan hệ xã hội; 2) Quá trình, tức phương pháp dạy và học; và 3) Địa điểm, tức bối cảnh xã hội. Ba hạng mục này kết nối và tương trợ lẫn nhau. Đây là một trong số các mô hình có sẵn nhằm thúc đẩy các phương pháp tiếp cận toàn trường nhằm xây dựng văn hóa học đường tích cực và môi trường học đường lành mạnh.
Tuy nhiên, chúng ta đã được đại dịch toàn cầu nhắc nhở rằng, những gì xảy ra trong giáo dục và thông qua giáo dục không độc lập với gia đình, cộng đồng hoặc xã hội lớn hơn, hoặc công việc của các lĩnh vực khác, hoặc chính sách và khuôn khổ pháp luật rộng hơn. Do đó, thông điệp quan trọng là ngoài cách tiếp cận toàn trường, phải thiết kế và thực hiện cách tiếp cận giáo dục toàn diện đối với văn hóa học đường tích cực. Cách tiếp cận giáo dục toàn diện bao gồm các nguyên tắc tương tự toàn trường nhưng được áp dụng ở cấp độ của toàn hệ thống giáo dục và hệ sinh thái quốc gia. Điều này có nghĩa là phải thực hiện đồng thời tất cả các khía cạnh của đời sống học đường, bao gồm chương trình giáo dục, hoạt động ngoại khóa, các quy tắc và quy tắc ứng xử của nhà trường, đào tạo giáo viên, nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng, vận hành giáo dục, tài chính và giám sát.
– Bà có khuyến nghị gì với Việt Nam để xây dựng văn hóa học đường trong bối cảnh đổi mới giáo dục và đào tạo?
– Tập hợp tất cả các đối tác và các bên liên quan trong giáo dục thông qua Hội nghị Giáo dục Việt Nam – VEC 2021 để xem xét và thảo luận về văn hóa học đường trên toàn quốc là cơ hội tuyệt vời để đối thoại và đánh giá, phản biện những gì đang tốt cần được duy trì hoặc nhân rộng; những gì không tốt cần thay đổi hoặc chấm dứt; những gì còn khoảng trống thì cần bắt đầu khẩn trương; và những gì mới bắt đầu cần thêm chút thời gian để cho kết quả.
Các nhà hoạch định chính sách, người đứng đầu nhà trường, học giả, nhà nghiên cứu, học sinh, phụ huynh và lãnh đạo cộng đồng đều có đóng góp quan trọng vào quá trình thúc đẩy văn hóa học đường tích cực ở Việt Nam. Văn hóa học đường tích cực cần được hiểu là yếu tố quan trọng để bảo đảm giáo dục có chất lượng hòa nhập và bình đẳng cho mọi người, và do đó đạt được tiến bộ đối với Mục tiêu phát triển bền vững số 4 – giáo dục chất lượng.
– Xin cảm ơn bà!